Lượt xem: 158

Tăng cường các giải pháp ứng phó xâm nhập mặn trên vườn cây ăn trái

Bên cạnh cây lúa, nguy cơ thiệt hại đối với cây ăn trái cũng rất cao khi mặn xâm nhập sâu và gây thiếu hụt nguồn nước phục vụ cho việc tưới tiêu. Trước dự báo về diễn biến gay gắt của tình hình hạn, mặn trong mùa khô năm nay, cơ quan chuyên môn và nhà vườn trồng cây ăn trái trên địa bàn tỉnh đã và đang tích cực triển khai nhiều giải pháp, nhằm hạn chế thấp nhất rủi ro ảnh hưởng trong điều kiện thời tiết, khí hậu bất lợi.

 


Nhà vườn thường xuyên kiểm tra độ mặn trong kênh, rạch để lấy nước tưới cây

 

    Là sản phẩm trái cây mang lại giá trị kinh tế cao, nhưng sầu riêng lại là cây trồng rất mẫn cảm với hạn, mặn. Qua theo dõi thông tin về diễn biến tình hình xâm nhập mặn năm nay, ngay từ mùa khô, ông Đoàn Út Xuân ở ấp Hòa Lộc, xã Xuân Hòa, huyện Kế Sách đã chủ động thực hiện nhiều giải pháp để bảo vệ cho 1,5 ha vườn trồng sầu riêng của gia đình. Theo đó, ông đã tiến hành đào sâu hơn kênh mương trữ nước ngọt ngay tại vườn. Đồng thời, trang bị thêm thiết bị đo độ mặn trước khi cấp nước vào hệ thống dự trữ. Hệ thống tưới phun tiết kiệm nước cũng được ông kiểm tra, sửa chữa thật kỹ nhằm đảm bảo khả năng cấp nước cho cây trồng khi hạn, mặn kéo dài. Ông Xuân chia sẻ: “Mặn mà tấn công thì sầu riêng dễ bị ảnh hưởng lắm. Nên năm nào tôi cũng chuẩn bị trước ao dự trữ nước để tưới cho qua đợt hạn, mặn. Mình cũng kiểm tra thật kỹ khi nào nước dưới 0,5‰ thì mình mới bơm vô. Nguồn nước tưới tiêu thì cũng được địa phương lo cho tốt lắm, có mặn xuất hiện cũng tuyên truyền kịp thời trên các nhóm zalo cho mình nắm để ứng phó”.

    Do là vùng đất cồn nằm chắn giữa sông Hậu, nên khi mặn bắt đầu xâm nhập, Cù Lao Dung sẽ là địa phương chịu ảnh hưởng trước nhất so với các huyện lân cận. Điều này đặt ra rất nhiều áp lực đối với ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện về nhu cầu nguồn nước phục vụ tưới tiêu cho trên 5.000 ha vùng trồng cây ăn trái trên địa bàn. Để giảm phần nào sức ép này, bên cạnh sự chủ động từ phía nhà vườn về nguồn nước dự trữ, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đã chỉ đạo cán bộ chuyên môn trang bị cho nhà vườn các biện pháp quản lý vườn cây trong điều kiện xâm nhập mặn, như: Tỉa cành, tạo tán, ủ gốc giữ ẩm cho cây trồng bằng rơm rạ, lục bình hoặc cỏ khô để hạn chế sự bốc hơi nước. Đồng thời, ưu tiên thực hiện các giải pháp công trình để ứng phó hiệu quả một khi độ mặn tăng cao và xâm nhập sâu vào nội đồng. Đồng chí Nguyễn Minh Chí - Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cù Lao Dung thông tin thêm: “Chúng tôi cũng phối hợp với UBND các xã rà soát lại hệ thống kênh rạch và các khoan đào không còn sử dụng cho việc phục vụ vận chuyển đường thủy để tiến hành khép kín từng bước. Tận dụng các kênh rạch, khoan đào này để gia cố và có giải pháp tích trữ cho bà con ở các vùng sản xuất có điều kiện về nước ngọt. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng chỉ đạo các xã và ban nhân dân các ấp và các hộ dân trong vùng sản xuất xây dựng lịch vận hành tất cả các cống. Làm sao tạo được sự đồng thuận của người dân trong việc chủ động mở cửa cống để lấy nước trong điều kiện cho phép, nhằm đảo bảo phục vụ tốt việc tưới tiêu của bà con”.

    Cây ăn trái có thể chống chịu thời gian khô hạn tốt hơn cây công nghiệp ngắn ngày hay cây lúa, nhưng sẽ bị giảm khả năng phát triển, chuyện thất mùa là không thể tránh khỏi. Một khi mặn đã nhiễm sâu vào đất, cây cần thời gian rất lâu để có thể phục hồi và cho trái trở lại. Nếu độ mặn trên sông Hậu kéo dài ở mức gây thiệt hại thì Sóc Trăng sẽ có hơn 10.000 ha cây ăn trái bị suy kiệt kéo do thiếu nước tưới. Vì vậy, bên cạnh giải pháp ưu tiên là tích trữ nước ngọt khi độ mặn ở ngưỡng cho phép, ngành chuyên môn lưu ý nhà vườn cần chủ động thực hiện các biện pháp quản lý tổng hợp để hạn chế thấp nhất nguy cơ ảnh hưởng. Đồng chí Nguyễn Thanh Hải - Phó trưởng Phòng kỹ thuật, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Sóc Trăng khuyến cáo thêm: “Để hạn chế việc hạn, mặn làm ảnh hưởng đến vườn cây ăn trái, vào mùa khô bà con cần hạn chế để trái nhiều, chỉ để trái ít thôi. Vì nếu để trái nhiều khi mặn xâm nhập sâu mà chúng ta không quản lý kịp thì nó sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của cây. Bà con cũng cần ưu tiên sử dụng các chế phẩm sinh học để tạo bộ rễ khỏe mạnh cho cây trồng trong giai đoạn này. Bên cạnh đó, khi thấy mặn xâm nhập bà con nên tiến hành tỉa bớt những cành sâu bệnh, những cành không có khả năng mang trái, những cành yếu, để cây khỏe. Như vậy sau đợt hạn, mặn khi chúng ta chăm sóc thì cây sẽ được phát triển tốt hơn”.

    Theo dự báo của Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, nguồn nước về Đồng bằng sông Cửu Long mùa khô năm 2023 – 2024 ít hơn so với trung bình nhiều năm. Xâm nhập mặn sẽ bắt đầu diễn ra gay gắt vào khoảng tháng 2 đến tháng 4 (dương lịch). Vì vậy, nhà vườn cần tiếp tục củng cố chắc chắn hệ thống đê bao khống chế mặn và tích trữ nước ngọt khi có điều kiện. Đồng thời, lưu ý nhà vườn hạn chế tối đa việc tưới nước có độ mặn gần bằng hoặc trên 1‰. Riêng đối với một số cây mẫn cảm như: Sầu riêng, măng cụt, chôm chôm, không được tưới nước có độ mặn từ 0,5‰ trở lên.

Ngọc Thơ



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 84
  • Hôm nay: 376
  • Trong tuần: 70,803
  • Tất cả: 11,802,810